tra cứu tiền nước

Điền số danh bộ hoặc số điện thoại:

lịch đọc số đồng hồ nước

Kỳ đọc số:

Số danh bộ:

theo dõi hồ sơ khách hàng

Loại hồ sơ:

Số hồ sơ:

Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước: Chủ động kiểm soát, xử lý và dự báo, cảnh báo các vấn đề ô nhiễm môi trường nước

Thứ tư - 21/10/2020 21:01

Vấn đề an ninh tài nguyên nước đang là một trong những thách thức lớn đối với nước ta trong quá trình phát triển. Những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nguồn nước dưới đất. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, hoạt động xả thải gia tăng; tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước làm biến đổi dòng chảy, suy giảm diện tích đất rừng, nguồn sinh thủy vẫn còn diễn ra, gây sức ép ngày càng lớn lên nguồn nước… Trước thực trạng đó, việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước là cần thiết. Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước.

 

Ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước

 

PV. Xin ông cho biết, sự cần thiết cũng như vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước hiện nay?

Ông Nguyễn Minh Khuyến: Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu thảm họa thiên tai lớn nhất ở Đông Á, Thái Bình Dương, đồng thời là một quốc gia ở hạ lưu, do đó chịu ảnh hưởng nặng nề của các rủi ro thiên tai, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn dẫn tới việc bảo đảm an ninh nguồn nước gặp nhiều thách thức lớn.

   Cùng với đó, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa tăng nhanh dẫn tới nước thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng. Kèm theo đó là nước thải không được xử lý đúng quy chuẩn, kỹ thuật… đã và đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn, trầm trọng đến số lượng và chất lượng của nguồn nước các các sông, suối và các tầng chứa nước. Hầu hết, các sông chính ở Việt Nam đều đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau chủ yếu ở vùng trung, hạ lưu các lưu vực sông, khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp, làng nghề…, đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về tài nguyên nước và môi trường, đã làm cho tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm không ngừng gia tăng về cả mức độ lẫn quy mô.

    Mặc dù đã có nhiều biện pháp đồng bộ được triển khai để BVMT nước tại các dòng sông nhưng với nhu cầu sử dụng nước cho hoạt động sản xuất và dân sinh ngày càng tăng đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến nguồn nước các lưu vực. Hầu hết, các đô thị đều tập trung ven các sông lớn, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, quá tải đã làm ô nhiễm, suy giảm chất lượng nước các dòng sông, đặc biệt là sông chảy qua các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, lượng nước thải y tế phát sinh hàng ngày cũng khá lớn (chỉ được thu gom, xử lý tại các bệnh viện lớn). Việc tăng cao nhu cầu xây dựng đô thị, nhà ở, kết cấu hạ tầng cũng làm gia tăng nhu cầu cát sỏi cho xây dựng và theo đó cũng làm gia tăng các hoạt động khai thác cát sỏi trên sông, đặc biệt là vấn nạn khai thác cát sỏi trái phép đã gây xói lở bờ sông và phát tán chất ô nhiễm làm suy giảm chất lượng nước.

   Mặt khác, rừng đầu nguồn bị suy giảm, tình trạng phá rừng ở Việt Nam đã ở mức báo động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông. Mất thảm thực vật là tác nhân lớn nhất dẫn đến xói mòn lưu vực, lớp đất bề mặt bị rửa trôi dẫn đến tình trạng bồi lắng và làm giảm dung tích hữu ích các hồ chứa. Mất rừng cũng đồng nghĩa với mất tầng trữ nước bề mặt, mưa bao nhiêu sẽ thành dòng chảy làm tăng nguy cơ lũ lụt, đồng thời làm giảm lượng trữ nước ngầm cho mùa khô gây nguy cơ hạn hán, mất cân bằng lượng khí ô xy và cacbonic, cân bằng sinh thái trên lưu vực sông. Như vậy, có thể thấy công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước là rất cần thiết và đóng vai trò vô cùng quan trọng.

PV. Công tác kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong thời gian qua được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Khuyến: Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nguồn nước (ÔNNN), thời gian qua Bộ TN&MT đã tăng cường triển khai thực thi các quy định pháp luật về tài nguyên nước, BVMT. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Bộ  TN&MT tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT. Bộ đã và đang thực hiện các nhiệm vụ như: Tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng có quy mô xả nước thải lớn trên phạm vi cả nước; rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp BVMT của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ÔNNN; tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; lập danh mục các nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt để có giải pháp cải thiện, phục hồi.

    Bên cạnh đó, tập trung đầu tư hệ thống giám sát các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước theo hướng xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải để kịp thời, chủ động trong việc kiểm soát, xử lý, cũng như kịp thời dự báo, cảnh báo đến người dân khi có các vấn đề ÔNNN xảy ra. Triển khai thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường nước trên các lưu vực sông, đồng thời, tiếp tục đầu tư mới, nâng cấp các trạm quan trắc đế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước từ cấp Trung ương đến địa phương. Cùng với đó, Bộ cũng đang tập trung nguồn lực để đầu tư các trạm quan trắc chất lượng nguồn nước tự động kết hợp với sử dụng công nghệ thông tin để kịp thời, chủ động trong việc kiểm soát, xử lý, cũng như kịp thời dự báo, cảnh báo đến người dân khi có các vấn đề ÔNNN xảy ra.

    Nhờ những nỗ lực trên, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước đã được kết quả như: Tình trạng các điểm nóng ô nhiễm tại lưu vực sông Thị Vải, lưu vực sông Đồng Nai, Sài Gòn đã giảm. Chất lượng nước ở một số khu vực ô nhiễm thường xuyên đã được cải thiện đáng kể.

    Đối với nước thải công nghiệp, trong thời gian gần đây, Bộ TN&MT đã tập trung nguồn lực quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Trên phạm vi cả nước, đã có 221/251 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đạt khoảng 88%. Đã có 121/251 KCN lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục đạt tỷ lệ trên 42%. Đối với các cơ sở sản xuất, nhà máy riêng lẻ đang được kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải vào nguồn nước. Bộ TN&MT đặt mục tiêu trong vài năm tới sẽ kiểm soát được lượng nước thải công nghiệp, bao gồm nước thải từ các KCN, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất công nghiệp đơn lẻ trên toàn quốc.

    Ngoài ra, nhiều địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn, một số địa phương đã bước đầu thực hiện việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong quá trình thu hút đầu tư thông qua việc lựa chọn những ngành nghề, dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch.

 PV. Theo ông, các khó khăn, bất cập trong việc thực thi các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ nguồn nước (BVNN) hiện nay là gì?

Ông Nguyễn Minh Khuyến: Mặc dù hệ thống quy định pháp luật về  quản lý, bảo vệ chất lượng nước khá đầy đủ, nhưng một số thực tiễn mới phát sinh cần phải nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và đảm bảo tính hệ thống của pháp luật. Cơ chế chính sách (cả trong xây dựng chính sách và triển khai thực hiện) giữa các Bộ/ngành đối với hoạt động có liên quan đến tài nguyên nước trên lưu vực sông còn chưa đồng bộ và còn giao thoa, chồng lấn. Kinh phí cho các hoạt động quan trắc, đánh giá môi trường nước, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước chưa tương xứng với nhiệm vụ và yêu cầu để phục vụ công tác quản lý. Mạng lưới trạm quan trắc, giám sát môi trường nước còn thiếu, chưa đồng bộ, công nghệ và thiết bị lạc hậu nên chưa đảm bảo chủ động, kịp thời kiểm soát vấn đề ô nhiễm các nguồn nước. Trong khi đó, để duy trì và cải thiện chất lượng nước, bắt buộc phải kiểm soát các nguồn thải để đảm bảo tổng thải lượng không vượt quá khả năng tiếp nhận của môi trường nước. Việc kiểm soát nguồn nước thải còn chưa hiệu quả do thiếu nguồn lực cả ở Trung ương và địa phương (bao gồm nhân lực, trang thiết bị).

    Mặt khác, ý thức về bảo vệ nguồn nước vẫn chưa trở thành thói quen, nếp sống của một bộ phận dân cư, các thói quen xấu gây ô nhiễm nguồn nước như: vứt rác, chất thải, xác súc vật bừa bãi vào các nguồn nước kênh, rạch, sông, suối, hồ, ao... vẫn còn phổ biến. Ý thức chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên nước của các hộ sản xuất kinh doanh, nhất là các hộ sản xuất kinh doanh thuộc các làng nghề, của một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp.

 

Các hoạt động xả nước thải từ khu dân cư, làng nghề đang gây tác động và sức ép ngày càng lớn lên nguồn nước

 

PV. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVNN, tiến tới ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, theo ông cần triển khai những giải pháp gì trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Minh Khuyến: Theo tôi, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chính sách, pháp luật về tài nguyên nước, nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của công tác quản lý tài nguyên nước là tập trung triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách quản lý, quy hoạch tài nguyên nước, giám sát khai thác sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước, phòng chống ô nhiễm nguồn nước đã được thể chế hóa trong Luật Tài nguyên nước năm 2012 và các văn bản đã được ban hành trong thời gian qua. Hiện nay, Bộ TN&MT đang hoàn thiện Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), các quy định về BVMT, BVNN sẽ được rà soát, bổ sung nhằm thúc đẩy công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước hiệu quả hơn. Ngoài ra, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp như:

   Thứ nhất, ứng dụng công nghệ để giám sát chặt chẽ các cơ sở có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước, đặc biệt là các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Xử lý nghiêm, công khai các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin, truyền thông để tạo áp lực xã hội đối với hình ảnh của các doanh nghiệp.

   Thứ hai, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường, hệ thống văn bản quy định về thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là các quy định về cưỡng chế, các biện pháp chế tài xử lý vi phạm đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về BVMT và tài nguyên nước.

    Thứ ba, phát triển mạng lưới quan trắc môi trường nước quốc gia, giám sát xả nước thải vào nguồn nước theo quy định tại Nghị định 40/NĐ-CP, bảo đảm việc quan trắc, giám sát và cảnh báo chất lượng nước đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để giám sát chặt chẽ, cảnh báo chất lượng các nguồn nước trên phạm vi cả nước.

   Thứ tư, đẩy mạnh việc lập và cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước tại các địa phương theo quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP; lập danh mục các nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt để có giải pháp cải thiện, phục hồi. Thúc đẩy thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm nguồn nước mặt tại các ao, hồ, sông, kênh, rạch trong các đô thị, khu dân cư, làng nghề thông qua việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư, ứng dụng các biện pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp để cải tạo, xử lý ô nhiễm các hồ, sông, kênh, rạch.

    Thứ năm, tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Cửu Long và các lưu vực sông lớn làm cơ sở cho các quy hoạch có khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước nhằm cân bằng các nguồn nước, điều hòa, phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước một cách hợp lý theo không gian, thời gian.

     Cuối cùng, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp vào công tác bảo vệ nguồn nước. Đặc biệt, đề cao vai trò giám sát của người dân trong việc phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi, sự cố gây ô nhiễm nguồn nước ngay từ khi mới xuất hiện.

Trân trọng cảm ơn ông!


Theo: tapchimoitruong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THÔNG TIN HÓA ĐƠN TIỀN NƯỚC

Xem chi tiết

Liên hệ

CÔNG TY CỔ PHẦN NƯỚC SẠCH HÒA BÌNH

  •  Thanh toán qua payoo.vn
  • Thanh toán qua Viettel với dịch vụ BlankPlus
  • Thanh toán qua M-Plus của M-pay
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây