Tọa đàm về Giá nước sinh hoạt
Thứ sáu - 29/11/2019 05:15 Tọa đàm về Giá nước sinh hoạt: Giúp người dân hiểu đúng và rõ hơn
Nước là mặt hàng đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sức khỏe của hàng triệu người dân. Vì vậy Giá của mặt hàng đặc biệt ấy luôn là vấn đề “Nóng” được cả xã hội quan tâm. Xung quanh Giá nước có rất nhiều vấn đề cần thảo luận.
Ngày 28/11/2019, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm về Giá nước sinh hoạt nhằm cung cấp cấp thông tin, truyên truyền để cho xã hội và người tiêu dùng hiểu đúng và rõ hơn về ngành nước, các vấn đề liên quan đến giá nước.
Tọa đàm về Giá nước sinh hoạt chính thức diễn ra vào sáng ngày 28/11/2019.
Tham dự tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam (Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng); PGS.TS Ứng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam (Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng); Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính; GS. TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam; Ông Mai Xuân Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hà Nội; TS.LS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam cùng các chuyên gia ngành nước; đại diện Bộ ngành liên quan; một số doanh nghiệp kinh doanh nước, cùng đại diện gần 40 cơ quan báo chí, truyền hình Trung ương và Hà Nội.
Toàn cảnh Tọa đàm.
Khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến khẳng định, nước sạch và cung cấp nước sạch đảm bảo an toàn đến người dân đang được xã hội quan tâm, trong đó, giá nước sạch được người dân quan tâm đặc biệt. Từ đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến hoan nghênh việc Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức Tọa đàm về giá nước sinh hoạt rất kịp thời trong thời điểm này.
Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cũng nhấn mạnh mục tiêu của buổi tọa đàm nhằm cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về giá nước sạch, các quy định pháp luật liên quan đến giá nước sạch, thẩm quyền định giá nước sinh hoạt, việc áp dụng các quy định vào cuộc sống…
Tại sao giá nước sạch lại khác nhau?
Chia sẻ về việc áp dụng, vận dụng các quy định về giá nước sinh hoạt tại mỗi địa phương hiện nay, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, về mặt pháp lý, quy định pháp luật về định giá bao gồm Nghị định 117 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung ứng nước sạch, Văn bản thông tư liên tich số 75 năm 2012 liên Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đi kèm có Thông tư 88 của Bộ Tài chính đã quy định rất chi tiết cụ thể về căn cứ cụ thể, phương pháp tính giá, quy trình phân cấp định giá…
Theo ông Thỏa, tính đến nay đánh giá các Thông tư còn khá phù hợp, tuy nhiên trong thời gian tới sẽ phải có những chỉnh sửa để phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính.
Ông Thỏa khẳng định trên thực tế, hầu hết địa phương về cơ bản chấp hành nghiêm túc các văn bản hướng dẫn về định giá. Theo Thông tư số 75, quy định giá cụ thể, hàng năm có biến động có hóa đơn chứng từ cụ thể để điều chỉnh giá, tuy nhiên có những địa phương tính toán, định giá nước theo lộ trình, việc này áp dụng nghị định 117 năm 2007.
Về các mức giá, đại đa số tính giá bù đắp được chi phí sản xuất và có lợi nhuận, tối thiểu 5%. Nhưng không phải 100% các địa phương giá nước đều đảm bảo, còn có các địa phương có giá chưa bù đắp được chi phí sản xuất.
Về mặt tồn tại, ông Thỏa cho rằng, quy định của nhà nước rất linh hoạt đảm bảo giá phù hợp với biến động, nhưng việc thẩm định phương án giá trình UBND tỉnh ít nhất là 9 tháng, thời gian duyệt dự án rất lâu, cẩn thận là đúng nhưng không đến mức như vậy, sẽ làm giảm các cơ hội của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hầu như chúng ta chưa có tuyên truyền về các văn bản tính giá, khiến người dân chưa hiểu được cơ sở để tính giá, chi phí để hình thành giá tạo nên tranh cãi trong dư luận.
Vì sao giá nước tại các địa phương lại khác nhau?
Ông Thỏa nêu ra 3 lý do cơ bản, cụ thể, thứ nhất là vấn đề đầu vào để sản xuất nước sạch có 2 nguồn gồm nước ngầm và nước mặt. Đầu vào khác nhau, kéo theo chi phí xử lý khác nhau, ngay nước mặt tại Hà Nội cũng có chỗ không có phù sa, sông Đuống có phù sa thì cần có khu bể lắng để xử lý, nơi có bùn cần có chi phí xử lý bùn.
Thứ hai, trong quy định 117, có phương án giá phải dựa trên cơ cấu nguồn vốn đã có, đi vay ít hay nhiều thì lãi vay cao thấp khác nhau.
Bên cạnh đó, quy định về khấu hao tài sản cũng là khoản chi phí hình thành nên giá, tài sản đã hết khấu hao nhưng vẫn dùng được vào sản xuất vẫn sử dụng nhưng không tính vào giá.
Như vậy, ngay ba yếu tố trên đã tạo nên các mức giá khác nhau. Ông Thỏa khẳng định ông không phản đối việc so sánh về giá nhưng phải đồng nhau về các tiêu chí, giá nước bán lẻ không thể so với giá bình quân.
Doanh nghiệp muốn tồn tại nhưng hài hòa lợi ích 3 bên
Tham dự Tọa đàm, ông Trần Đăng Quý, Chủ tịch Công ty Cổ phần cấp nước Nam Định chia sẻ, hiện nay ngành nước đã cổ phần hóa, tại Công ty Cổ phần cấp nước Nam Định nhà nước chiếm 49,5% vốn, công ty có 3 cổ đông chiến lược, trước đó, đơn vị là công ty TNHH MTV chỉ cần bảo toàn vốn, không làm thất thoát vốn của nhà nước, có thể không cần có lợi nhuận.
Ông Trần Đăng Quý, Chủ tịch Công ty Cổ phần cấp nước Nam Định.
Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp đã cổ phần hóa trở thành công ty tư nhân, cần tối đa hóa lợi nhuận, vay vốn đầu tư cần trả lãi ngân hàng, trả cổ tức hàng năm cho các cổ đông.
Do đó, doanh nghiệp cấp nước gặp nhiều khó khăn, ông Quý lấy ví dụ hiện doanh nghiệp cấp nước nếu lấy nước sông Đáy hiện ô nhiễm không thể xử lý, cần thay đổi nguồn nước, trong đó chi phí đường ống lớn, "nếu đường ống 40km giá phải 20.000 đồng mới có lãi”.
Từ đó, ông Quý kiến nghị Thông tư 75 phải xem xét lại, đồng thời Nghị định 57 năm 2018, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tuy nhiên doanh nghiệp cấp nước đầu tư nhưng tỉnh không có chính sách hỗ trợ, nhiều đơn vị bị sa lầy.
"Cần có cơ chế, chính sách phù hợp hơn để hài hòa lợi ích giữa 3 bên, doanh nghiệp, nhà nước và người dân’, ông Quý nói.
Giá thấp, nước sạch nông thôn không hấp dẫn nhà đầu tư
Ông Phạm Kiến Quốc - Đại diện Trung tâm Quốc gia Nước sạch & VSMT Nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tại vùng nông thôn hiện nay thu tiền nước chưa đủ vận hành chi phí.
Theo ông Quốc, theo Khoản 2 Điều 9 của Thông tư 75, UBND tỉnh thực hiện hướng dẫn về thẩm quyền quản lý, thẩm quyền quy định giá nước và mức giá cụ thể đối với các công trình mức độ quy mô nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết UBND 63 tỉnh thành bỏ ngỏ điều đó, giá nước thường là thỏa thuận với người dân. Vì giá nước ở nông thôn thấp nên việc đầu tư khối tư nhân vào cấp nước nông thôn rất khó khăn
"Mặc dù Quy định 131, năm 2009 khuyến khích đầu tư kinh doanh, xã hội hóa cấp nước nông thôn, về sau có Nghị định 57, mặc dù hấp dẫn như vậy nhưng đầu tư cho lĩnh vực nước sạch nông thôn vẫn còn rất ít”, ông Quốc chia sẻ.
Công cụ tính giá nước còn thiếu sót
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Dương, Viện phó Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường đánh giá, nhìn chung, so sánh khung giá nước theo Thông tư 88 cho đến nay, chúng ta chưa vượt, đối với các đô thị, thành phố trực thuộc Trung Ương như Hà Nội, TP. HCM… rõ ràng khung giá là khá rộng, từ 3.500 đồng cho đến 18.000 đồng.
Chúng ta cho đến giờ phút này chưa vượt, nhưng làm sao để Nhà nước, doanh nghiệp tính đúng tính đủ giá nước, đảm bảo minh bạch là điều chúng ta mong muốn. Định mức sản xuất nước sạch, dự toán xây dựng cơ bản, quy định về cách tính giá nước là công cụ để xây dựng khung giá. Tuy nhiên, các quy định vẫn còn những thiếu sót.
Ông Nguyễn Trọng Dương, Viện phó Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường
"Các chủ dự án được phép đưa chi phí nước thất thoát vào giá thành, nói chung chung là nước thất thoát thì chưa đủ… nước thất thoát gồm thất thoát vật lý và thương mại, vật lý thì hợp lý, không tránh khỏi, còn do thương mại không nên bắt khách hàng phải chịu, nên chia tách rõ ràng, số liệu cho thấy nước thất thoát thương mại chiếm đến khoảng 1/3 tổng lượng nước thất thoát.”, ông Dương nói.
Theo ông Dương, giá thành phải phản ánh đúng chất lượng nước, do đó, cần quản lý, kiểm soát chất lượng tốt hơn, người dân sẵn sàng chi tiền để có được chất lượng phục vụ tốt.
Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động liên quan đến chính sách ngành nước
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Hạ Thanh Hằng - Trưởng Ban Chính sách phát triển, Hợp tác quốc tế của Hội Cấp thoát nước Việt Nam chia sẻ: Với thực trạng trong việc triển khai giá nước hiện nay, cũng như các quy định khác liên quan đến ngành cấp thoát nước, Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã và sẽ tiếp tục đại diện tiếng nói cho các hội viên có các văn bản đề xuất kiến nghị gửi lên Văn phòng Chính Phủ cũng như các Bộ, Ban ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành nước phát triển. Từ các văn bản kiến nghị đó, vừa qua Văn phòng Chính phủ cũng đã có các công văn gửi các Bộ, Ban ngành xem xét, giải quyết. Hội Cấp thoát nước Việt Nam cũng sẽ tiếp tục phát huy và mở rộng các mối quan hệ Hợp tác quốc tế để triển khai các hoạt động hợp tác, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chính sách ngành, trong đó có chính sách về giá.
Cần minh bạch trong việc tính giá nước
Theo ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng thư ký hội Cấp thoát nước Việt Nam, hành lang pháp lý tính giá nước tương đối đầy đủ và chặt chẽ, từ Nghị định 112, 124, cho đến Thông tư 75, thông tư 88. Tuy nhiên, hiện nay, 63 tỉnh thành khác nhau, có trăm cách áp dụng khác nhau, hơn 100 công ty cấp nước có mức giá nhau, đó chính là đặc thù của ngành nước, bởi giá nước không chỉ là vấn đề lý thuyết, do đó không thể có 1 mức giá nước thống nhất trên toàn quốc.
"Đã có cách tính cụ thể, xác thực, cần tính đúng, tính đủ giá nước. Hà nội bình quân khoảng 9.000 đồng/m3, một ngày tính chỉ bỏ ra hơn 1.000 đồng tiền nước sử dụng, quá rẻ. Giá nước đang là thấp nhất trong các loại chi phí, nhu yếu phẩm đang sử dụng hàng ngày, tăng đến 20.000 đồng vẫn không sao, nhưng cần phải minh bạch, tính đúng, tính đủ”, ông Hưng nói.
Ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng thư ký hội Cấp thoát nước Việt Nam.
Theo đó, ông Hưng ủng hộ việc TP. Hà Nội sẽ thuê tư vấn độc lập để tính giá nước. "Đúng thật, quá trình tính giá nước cần có đơn vị độc lập kiểm tra, dùng hóa chất bao nhiêu, dùng điện bao nhiêu, nhân công bao nhiêu? Trên cơ sở mẫu nước tính ra lượng hóa chất xử lý, nước ô nhiễm xử lý tốn kém là đúng, nhưng áp dụng công nghệ hiện đại thì phải tiết kiệm chi phí nhân công”, ông Hưng phân tích.
Khẳng định lại vấn đề, ông Hưng cho rằng, người dân không quan trọng giá nước bao nhiêu, họ có thể chi trả như Châu Âu với mức 1,5 đô /m3, nhưng người dân đòi hỏi sự cần minh bạch vì nước là ngành phi lợi nhuận. Bên cạnh đó, người dân quan tâm đến chất lượng nước, chất lượng dịch vụ.
"Dịch vụ cấp nước đảm bảo 24/24, áp lực phải đảm bảo để cấp nước đầy đủ, nếu nay có mai mất nhưng giá nước lại cao là không hợp lý, chất lượng nước phải đảm bảo theo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành, vì nó liên quan đến chất lượng cuộc sống, chất lượng của cả thế hệ tương lai”, ông Hưng cho biết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn